Ung thư vú giai đoạn 3: Điều trị và tỷ lệ sống sót
Ung thư vú giai đoạn 3 là khi ung thư đã lan tới các hạch bạch huyết vùng hoặc các cơ ngực hoặc da vú nhưng chưa di căn xa.
Việc điều trị ung thư vú sớm sẽ giúp nâng cao tuổi thọ và tỷ lệ sống sót của người bệnh.
Mục Lục
Tuổi thọ và tỷ lệ sống của người bị ung thư vú giai đoạn 3
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót của phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn 3 trong 5 năm là khoảng 72%.
Đối với nam giới bị ung thư vú giai đoạn 3, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở mức 75%.
Ung thư vú giai đoạn 3 còn được gọi là ung thư vú giai đoạn tiến triển, vẫn có thể điều trị khỏi nhưng khả năng tái phát trở lại là rất cao.
Tuy nhiên, tuổi thọ của từng cá nhân phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuổi tác, thể lực, việc đáp ứng điều trị, giới tính, kích thước khối u và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người. Vì thế, những số liệu thống kê vừa nêu chỉ có tính tương đối.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, triển vọng điều trị ung thư đang ngày càng tốt hơn. Điều này có nghĩa là tỷ lệ sống sót khi bị ung thư có thể cao hơn so với số liệu thống kê.
Điều trị ung thư vú giai đoạn 3
Kế hoạch điều trị ung thư vú giai đoạn 3 tùy thuộc và việc xác định khả năng có phẫu thuật đầu tiên được hay không.
Khả năng phẫu thuật đầu tiên có nghĩa là bác sĩ có thể phẫu thuật lấy toàn bộ khối u ngay từ đầu. Nếu có thể phẫu thuật đầu tiên, bạn sẽ được tiến hành phẫu thuật và hóa trị sau đó. Nếu không thể phẫu thuật đầu tiên, bạn sẽ được điều trị trước bằng hóa trị hoặc điều trị đích để khối u thu nhỏ lại, sau đó mới tiến hành phẫu thuật.
Điều trị ung thư vú giai đoạn 3 là sự kết hợp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật và xạ trị.
Phương pháp điều trị bằng thuốc có thể bao gồm hóa trị, thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp hormone hoặc kết hợp các phương pháp với nhau.
Hóa trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng thuốc chống ung thư. Phương pháp này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, chúng thường giảm dần và biến mất khi kết thúc điều trị.
Tác dụng phụ của hóa trị có thể bao gồm:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Thiếu máu
- Bầm tím và chảy máu
- Rụng tóc
- Buồn nôn
- Các vấn đề về răng miệng
- Ảnh hưởng đến da và móng tay
- Suy giảm trí nhớ và kém tập trung
- Triệu chứng mãn kinh
- Mệt mỏi
Nếu khối u vú có kích thước lớn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Đây được gọi là phương pháp đoạn nhũ nạo hạch có hoặc không kèm theo tái tạo vú. Ngoài ra, bạn có thể được phẫu thuật bảo tồn vú (hay còn được gọi là phẫu thuật cắt một phần tuyến vú) khi khối u vú có kích thước nhỏ.
Xạ trị và điều trị nội tiết được thực hiện sau khi phẫu thuật và hóa trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Một vài ung thư vú giai đoạn 3 là ung thư vú dạng viêm, khi đó kế hoạch điều trị rất khác và chúng tôi sẽ đề cập ở một bài khác.
Nhấn vào và xem sơ đồ giải phẫu các giai đoạn bệnh ung thư vú dưới đây để hiểu rõ hơn
Sống chung với ung thư vú
Việc bị sốc và có những suy nghĩ tiêu cực là điều không thể tránh khỏi khi được chẩn đoán mắc ung thư vú. Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị, những thay đổi về thể chất và tâm lý có thể khiến người bệnh tự ti và rơi vào trạng thái trầm cảm.
Các tác dụng phụ của hóa trị có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thêm vào đó, việc phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả hai vú có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục và các mối quan hệ của bệnh nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ.
Ngoài ra, liệu pháp hormone dài hạn có thể gây nhiều tác dụng phụ, bao gồm mệt mỏi, thay đổi nhận thức và các triệu chứng mãn kinh.
Những thay đổi về tâm lý có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Do đó, khi cảm thấy bất an, bạn hãy trao đổi với bạn bè, người thân hoặc bác sĩ tâm lý để giải phóng căng thẳng và lo lắng.