
Nitric oxide là gì?
Nitric oxide hay NO là chất khí có cả trong tự nhiên cũng như trong cơ thể con người. Trong cơ thể, các nhà khoa học đã chứng minh được nitric oxide đóng vai trò quan trọng liên quan đến hệ tim mạch, đặc biệt đến độ co dãn và bền dẻo của mạch máu. Nhờ đó, nâng cao lưu lượng máu, đưa oxy và các chất dinh dưỡng đến mọi ngóc ngách, giúp các cơ quan hoạt động trơn tru hơn. Khi hít vào, nitric oxide tạo ra sự giãn mạch phổi. Khi thở ra, khí này như một chất chỉ điểm viêm, giúp phản ánh nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau của bộ máy hô hấp, đặc biệt là bệnh hen phế quản (hen suyễn).
Phép đo nồng độ nitric oxide là gì?
Đây là một trong nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị hen suyễn, dựa trên chỉ số nồng độ nitric oxide trong mẫu thở ra của người bệnh. Mẫu thở sẽ được thu thập bằng 2 cách: trực tiếp hoặc gián tiếp.
Vì sao bạn cần thực hiện phép đo nồng độ nitric oxide?
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chẩn đoán hen suyễn thường được thực hiện bằng nhiều cách, như khám tiền sử bệnh, khám lâm sàng cùng một số xét nghiệm nhất định để kiểm tra xem chức năng phổi có hoạt động tốt hay không (đo lưu lượng đỉnh thở ra hoặc đo phế dung). Người bệnh có thể cần được tiến hành những nghiệm pháp kích thích cơn hen nhẹ, sau đó sẽ cho điều trị các triệu chứng bệnh. Những bài kiểm tra như vậy được gọi là nghiệm pháp thử thách.
Đôi khi, người bệnh đã được thực hiện các tất cả các xét nghiệm nhưng kết luận của chẩn đoán hen suyễn vẫn chưa chắc chắn. Lúc ấy, phương pháp đo nồng độ nitric oxide trong khí thở ra sẽ là một lựa chọn hữu ích. Nồng độ nitric oxide cao trong hơi thở có thể do đường thở của người bệnh đang bị viêm – chính là một dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
Phương pháp đo nồng độ nitric oxide trong hơi thở ra cũng được thực hiện để dự đoán tác dụng giảm viêm của thuốc steroid trong phác đồ trị bệnh hen suyễn của người bệnh. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn và đang điều trị bằng một loại thuốc steroid, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp đo nồng độ nitric oxide này nhằm xác định xem tình trạng hen suyễn của người bệnh có được kiểm soát hay không.
Quy trình thực hiện
Trước khi tiến hành
Để đảm bảo kết quả kiểm tra là chính xác, người bệnh cần tránh ăn uống trong ít nhất một giờ trước khi thực hiện xét nghiệm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cần uống thuốc theo liều.
Ngoài ra, trong khoảng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm, người bệnh nên tránh:
- Tập thể dục
- Uống rượu
- Hút thuốc
- Tiêm thuốc chống dị ứng
Trong khi tiến hành
Hiện nay có hai phương pháp đo nitric oxide trong khí thở là đo “trực tiếp” và “gián tiếp”.
- Cách đo trực tiếp: Để làm phép đo này, người bệnh sẽ được ngồi. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh kẹp mũi, ngậm một miếng ngậm có ống dẫn đến thiết bị đo điện tử. Tiếp theo, người bệnh sẽ hít vào qua đường miệng trong hai hoặc ba giây cho đến khi phổi được lấp đầy không khí. Sau đó thở ra thật đều để không khí thoát khỏi phổi với tốc độ ổn định. Bác sĩ có thể cho người bệnh xem một màn hình máy tính hiển thị lưu lượng thở để người bệnh dựa vào đó mà duy trì hơi thở ra đều đặn. Toàn bộ bài kiểm tra thường chỉ thực hiện trong vòng năm phút hoặc ít hơn. Những kết quả đo được sẽ được ghi lại và phân tích trên máy ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên phương pháp đo này đòi hỏi sự tham gia của người bệnh, cũng như việc trang bị máy móc hiện đại và phức tạp. Do đó, phương pháp đo trực tiếp thường chỉ thực hiện ở một số bệnh viện lớn và một số phòng thí nghiệm.
- Cách đo gián tiếp: Người bệnh không cần trực tiếp có mặt tại bệnh viện. Khí thở của người bệnh được thu vào một túi đựng khí làm bằng chất liệu Mylar – một chất liệu không phản ứng với bất kỳ khí nào có trong khí thở. Sau đó nồng độ nitric oxide trong túi sẽ được đo trong 12 giờ kể từ khi thu thập mẫu thở từ người bệnh.
Đọc kết quả
Ý nghĩa của chỉ số nồng độ nitric oxide là gì?
Nếu nitric oxide trong hơi thở ra có chỉ số cao hơn mức bình thường: đường thở của người bệnh đang bị viêm – một dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
- Mức dưới 20 phần tỷ (ppb) ở trẻ em và dưới 25 phần tỷ ở người lớn được coi là bình thường.
- Mức trên 35 phần tỷ ở trẻ em và 50 phần tỷ ở người lớn có thể là dấu hiệu viêm đường thở do hen suyễn.
Kết quả của phương pháp đo nồng độ nitric oxide có thể khác nhau tùy mỗi thể trạng. Khi diễn giải kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xem xét thêm một số yếu tố khác bao gồm:
- Dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn
- Lịch sử kết quả xét nghiệm nitric oxide
- Kết quả của các xét nghiệm khác như lưu lượng đỉnh thở ra hoặc đo phế dung
- Các loại thuốc người bệnh đang sử dụng
- Có mắc cảm lạnh hay cúm không
- Có bị sốt hay dị ứng khác không
- Có hút thuốc hay không
- Tuổi của người bệnh
Độ an toàn của phép đo
Phép đo nồng độ nitric oxide có an toàn không?
Phương pháp này nhanh chóng và rất an toàn. Trong trường hợp hiếm, một số người có thể cảm thấy hơi lâng lâng khi được yêu cầu thở ra và hít vào. Lúc đó, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu người bệnh ngồi và thư giãn trong vài phút trước khi tiến hành lại phép đo.
Tóm lại, đo nồng độ khí nitric oxide là một phương pháp hiệu quả cho phép thăm dò không xâm lấn để tìm dấu hiệu viêm đường hô hấp. Hiện nay phương pháp này đang trở thành một công cụ quan trọng trong chiến lược chẩn đoán và theo dõi điều trị hen phế quản (hen suyễn).
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Xuân Nam CEO & Founder of TobaCare. Chuyên nghiên cứu tìm hiểu về những vấn đề xoay quanh chủ đề thuốc lá đặc biệt là đầu lọc thuốc lá. Tôi luôn mong muốn là người đồng hành mang đến cho bạn động lực cũng như kiến thức quan trọng về chủ đề thuốc lá.